Trẻ bị nôn trớ sinh lý có quá lo ngại không?

Nôn trớ:
- Là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng
- Nôn trớ rất hay gặp ở trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, dạ dày ở tư thế nằm ngang trong khi chế độ ăn chủ yếu là sữa ở dạng lỏng. Nôn trớ sẽ giảm dần khi trẻ lớn và thường sẽ hết lúc trẻ được 12 tháng tuổi. Một số trường hợp nặng hoặc do bệnh lý cần xử trí thích hợp để phòng tránh mất nước-điện giải, biếng ăn, suy dinh dưỡng, khò khè…
Trớ sinh lý:
- Xảy ra nhiều ở 3 tuần tuổi, giảm dần và hết khi bé được 12 tháng tuổi, lượng chất trớ ít, thường là sữa mới uống, vài ba ngày mới ọc 1 lần hay 1 ngày ọc 2-3 lần, vẫn bú khỏe, lên cân tốt. Không kèm các biểu hiện khác như: buồn nôn/nôn, dễ bị kích thích, khóc quấy, uốn cong người (tư thế Sandifer), ho từng cơn, khò khè, khàn tiếng, thiếu máu, chậm lớn.
- Nguyên nhân chủ yếu do dạ dày – thực quản phát triển chưa hoàn thiện ở trẻ nhỏ, dễ tạo điều kiện cho sữa trào ngược lên trên, nhất là khi trẻ nằm đầu thấp, khi ho, vặn mình hay khóc, hoặc phương pháp cho bú sai: bú no quá, bú các cữ gần nhau quá, thay đổi sữa hoặc pha sữa không đúng công thức, lỗ núm vú cao su to hoặc nhỏ quá, hoặc tư thế cho bú không đúng làm cho bé nuốt quá nhiều hơi trong khi bú.
Nếu trớ kèm một trong các dấu hiệu khác:
Buồn nôn/ nôn, dễ bị kích thích, khóc, quấy, uốn cong người (tư thế Sandifer), ho từng cơn, chậm lớn, cần đưa bé đi khám để có chẩn đoán và điều trị thích hợp, vì có thể do:
- Trẻ không dung nạp/ dị ứng đạm sữa bò (CMA): hàm lượng cao chất đạm chưa được xử lý trong sữa bò có thể làm trẻ khó tiêu hóa. Nếu kèm theo các triệu chứng như đi phân lỏng (có thể lẫn máu), nôn, hay đau bụng, hoặc dấu hiệu dị ứng ngoài da, tăng cân chậm, cần đưa bé đi khám. Bé có thể cần được thay thế bằng công thức sữa đậu nành hoặc sữa có đạm thủy phân.
- Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD) có hoặc không kèm viêm thực quản: Trớ kèm ợ lặp đi lặp lại, trớ có thể xảy ra một thời gian lâu sau bữa ăn/ bú, da xanh tái, các cơn khóc xảy ra trong hoặc ngay sau khi ăn, ngừng bú vào đúng giữa bữa ăn và/hoặc có tư thế uốn cong người (tư thế Sandifer) để giảm đau lúc bú bình.
- Nôn do dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa: Hẹp phì đại môn vị là dị tật thường gặp, gây hẹp, tắc chỗ nối giữa dạ dày và ruột non. Trẻ trai thường bị hơn, sau khi sinh, trẻ vẫn bú mẹ và đi tiêu bình thường, khoảng 3-4 tuần sau thì xuất hiện nôn, nôn liên tục nhiều lần sau khi ăn, nôn vọt thành tia, chất nôn là sữa cũ (đông vón) do đọng lâu trong dạ dày. Nôn kéo dài làm cho trẻ sụt cân nhanh, bụng xẹp, đi phân ít, tiểu ít mặc dù trẻ vẫn háu bú. Bệnh cần phải phẫu thuật.
- Nôn do bệnh tật: Hay gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não, lồng ruột, tắc ruột, viêm ruột hoại tử...: trẻ nôn đột ngột và kèm theo các triệu chứng đặc biệt của từng bệnh.