Tiêu chảy ở trẻ nhỏ mẹ cần biết
Làm thế nào để biết nguyên nhân tiêu chảy?
Trẻ có thể đi tiêu 5-10 lần trong một ngày sau mỗi cữ bú, phân sệt hoặc hơi tướt, màu vàng sậm, trẻ tăng cân tốt; trường hợp này không gọi là tiêu chảy. Nếu trẻ bú không đủ, phân sẽ có màu xanh lẫn nước nhưng lượng ít.
- Tiêu chảy do nhiễm siêu vi trùng: Nếu bé bị tiêu phân lỏng, không đàm máu thì thường do nhiễm siêu vi trùng, bệnh kéo dài trung bình 5-7 ngày, có thể kèm sốt nhẹ, nôn, quấy khóc… Rotavirus là siêu vi trùng gây nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp rất thường gặp ở trẻ nhỏ trong 5 năm đầu đời, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 tháng đến 2 tuổi. Tiêu chảy ở trẻ nhỏ phân lỏng, màu vàng chanh hoặc trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải.
- Tiêu chảy do nhiễm trùng: thường do trẻ ăn phải thức ăn không vệ sinh, nhiễm bẩn hoặc có thói quen ngậm tay, ngậm đồ chơi… Trẻ thường kèm đau quặn bụng, đi cầu lỏng nhưng không phải đi xối xả toàn nước, phân sẽ có mùi hôi có thể kèm theo máu và chất nhầy.
- Tiêu chảy sau khi viêm ruột, hoặc do kém hấp thu đường lactose, dị ứng đạm sữa bò: trẻ có thể cải thiện khi được bú sữa công thức loại bỏ hoặc chứa rất ít lactose hoặc công thức đạm thủy phân.
Cách xử trí trẻ bị tiêu chảy?
Cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: sốt cao liên tục, co giật, nôn ói nhiều, không ăn uống được, chướng bụng, tiêu phân có máu. Điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy là phải được bù nước và điện giải, có thể bằng nước Oresol, phải tuân thủ hướng dẫn pha Oresol. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy, vì những loại thuốc làm giảm nhu động ruột làm phân không được thải ra ngoài.
Tiêu chảy ở trẻ nhỏ đa phần là do nhiễm trùng ở đường ruột, tiêu phân lỏng cũng là cách bảo vệ cơ thể giúp thải trừ vi trùng, chất độc, nếu phân không bài xuất ra ngoài được, ứ lại trong ruột gây chướng bụng, viêm ruột, thậm chí làm tắc ruột, thủng ruột, tử vong.
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy như thế nào?
Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như lúc bình thường, không nên kiêng cữ hoặc thay đổi chế độ ăn của trẻ, nên cho trẻ ăn nhiều bữa hơn. Nếu trẻ bú sữa công thức cần cho trẻ tiếp tục bú với sữa được pha như bình thường, không được pha loãng hơn. Nên thay thế tạm thời bằng loại sữa không có đường Lactose trong khoảng 2 tuần. Cần tham vấn ý kiến bác sĩ khi muốn đổi sữa cho trẻ.Trẻ quấy khóc, đầy hơi và kèm theo dấu hiệu khác
Nếu trẻ quấy khóc mà có kèm theo các dấu hiệu đáng lo như sau, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và có thể cân nhắc tạm thời chuyển sang chế độ ăn/ bú loại bỏ lactose:
- Nôn trớ, trào ngược thường xuyên, nôn ói và ho từng cơn.
- Tư thế uốn cong người (Sandifer).
- Trẻ kém phát triển, suy dinh dưỡng.
- Trẻ có biểu hiện dị ứng ở da, đường hô hấp.
- Xuất huyết dạ dày (tiêu phân đen…).
- Gia đình có người bị dị ứng.