Dấu hiệu nhận biết trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh hay trục trặc?

Tiêu hóa khỏe mạnh:
- Nếu đường ruột khỏe mạnh, sau khi tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng sẽ bài tiết được hoàn toàn những chất cặn bã (đi tiêu đều đặn và phân mềm, sệt). Trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh cũng sẽ bú/ăn dễ dàng, khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.
Tiêu hóa “trục trặc”:
- Nếu chức năng của ruột kém thì bé sẽ chậm tiêu hóa, chướng bụng, đầy hơi, nôn trớ, ăn khó tiêu, táo bón (phân không thải ra ngoài được) hoặc tiêu chảy, đi phân sống (phân thải ra mà chưa tiêu hóa được hoàn toàn), quấy khóc khi ăn, biếng bú/ăn, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, …
Đau quặn bụng ở trẻ dưới 3 tháng tuổi:
- Nguyên nhân khóc ở trẻ chưa biết nói rất khó đoán biết, trong đó phổ biến là cơn đau quặn bụng. Làm sao nhận biết được đau bụng nào là không nguy hiểm hay nguy hiểm cần xử trí khẩn cấp là hết sức quan trọng.

Đặc điểm cơn đau bụng nhũ nhi (colic):
- Đau theo chu kỳ, thường vào buổi chiều tối, trẻ quấy khóc không dỗ được, kéo dài hơn 3 giờ mỗi ngày, 3 ngày mỗi tuần, và tiếp tục hơn 3 tuần ở những trẻ nhũ nhi dưới 3 tháng. Trẻ không dỗ được theo những cách thông thường như cho bú, cho ợ hơi, thay tã, âu yếm, vỗ về hoặc đung đưa... trẻ tiêu xong có thể hết đau. Thường không kèm theo ói mửa, tiêu chảy, hay lên cân kém. Đau bụng thường kết thúc vào tháng thứ 4 hoặc chậm nhất là tháng thứ 5.
Làm sao để nhận biết những tiếng khóc “lành tính” không quá lo ngại ở trẻ nhũ nhi?
- Những đợt khóc khoảng 1giờ30 phút/ngày vào 15 ngày tuổi, hơn 2 giờ trong 1 tháng, dưới 3 giờ lúc bé 6 tuần, trước khi giảm xuống còn 1 giờ lúc 3 tháng, đến 4-5 tháng hết hẳn. Bé vẫn háu bú, lên cân tốt, không kèm theo những dấu hiệu khác như trớ, nôn ói, ho, tư thế vẹo cổ, đi cầu ra máu, hăm tã, nổi mề đay…Nếu bé có kèm hăm tã, tiêu chảy, đi phân sống, nguyên nhân có thể do thiếu men lactase để tiêu hóa đường lactose hoặc có thể do dị ứng với đạm sữa bò (CMA), nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay.