Các bệnh thường gây cơn đau bụng cho trẻ sơ sinh

1. Trào ngược dạ dày – thực quản:
- Trẻ có dấu hiệu khóc và dãy dụa trong hoặc ngay sau khi bú, ngừng bú vào đúng giữa bữa ăn và/hoặc có tư thế uốn cong người để giảm đau lúc bú bình, kèm ợ lặp đi lặp lại, da xanh tái.
2. Lồng ruột:
- Trẻ kịch phát cáu kỉnh, khóc thét, nôn, và đi cầu ra máu xảy ra ở trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi, nhất là lúc trẻ được 9 tháng. Một số trẻ chỉ có biểu hiện ngủ lịm. Đây là bệnh lý nguy hiểm, cần được xử lý cấp cứu.
3. Thoát vị bẹn:
- Trẻ có thể kèm bỏ bú, nôn ói, bứt rứt, quấy khóc, quan sát có thể thấy một khối phồng tại vùng bẹn bìu ở bé trai hoặc ở gần âm hộ của bé gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi trẻ ho, khóc, rặn khi đi tiêu. Lúc trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối phồng xẹp đi, vùng bẹn của trẻ trở lại như bình thường. Những trường hợp này cần đưa bé đến khám bác sĩ để có hướng dẫn chăm sóc và theo dõi phù hợp.
Xử trí gì khi bé có cơn đau bụng “lành tính”?
- Ẵm bé lên, đung đưa nhẹ nhàng, làm dịu đau cho bé bằng cách xoa bụng bé, đưa đi dạo bằng xe, cho nghe nhạc…Nên xoa bụng bé nhẹ nhàng hình vòng tròn theo chiều kim đồng mỗi ngày 3 - 4 lần để giúp lưu thông tiêu hóa cho trẻ.
- Giảm thiểu việc nuốt hơi bằng cách: cho bé bú đúng tư thế và giúp bé ợ hơi sau bú.
- Cho bé bú đúng tư thế. Luôn giữ cho đầu bé ở cao hơn so với bụng, sữa sẽ trôi xuống đáy dạ dày, còn không khí sẽ ở phía trên và bé dễ dàng ợ ra hơn. Nếu bé bú bình cần nâng bình sữa hơi dốc để sữa ngập núm vú bình (mực sữa luôn nằm trên lỗ núm vú) để tránh nuốt khí vào dạ dày.
- Giúp bé ợ hơi sau khi bú. Vác bé đứng áp vào vai, nằm sấp trên cánh tay/ đùi, hoặc ngồi với tay đỡ sau lưng và đầu bé. Cũng có thể đặt bé nằm ngửa và nhẹ nhàng giúp bé tống hơi bằng động tác đạp chân như đạp xe đạp.